Niềm vui của giáo viên mầm non là giúp trẻ sáng tạo, hạnh phúc hơn
“Để giúp các con hạnh phúc hơn, sáng tạo hơn mỗi ngày, ngoài việc gần gũi, yêu thương các con, bản thân giáo viên phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức cho mình”, đó là chia sẻ của cô giáo Vũ Hoàng Linh Chi, giáo viên trường mầm non Thành phố, TP.HCM với PV báo Người Đưa Tin.
Là giáo viên duy nhất trong trường đạt giải thưởng Võ Trường Toản, giải thưởng dành cho những giáo viên có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, yêu nghề, có nhiều thành tích nổi bật… cô Vũ Hoàng Linh Chi, giáo viên lớp Chồi 1, trường mầm non Thành phố, thuộc sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, rất bất ngờ và hạnh phúc khi biết tin mình được giải thưởng này.
Cô Linh Chi chia sẻ rằng, sau khi ra trường, cô được phân về dạy tại ngôi trường mầm non Thành phố từ 1985 đến nay. Suốt 34 năm dạy học, cô chứng kiến bao sự đổi thay của trường, của ngành giáo dục.
Để giúp trẻ luôn vui vẻ, hạnh phúc, khơi lên sự sáng tạo ngay từ những năm đầu đời, cô Chi cho biết, bản thân mình cũng phải liên tục cập nhật kiến thức mới, phương pháp dạy trẻ mới.
Chia sẻ với PV, cô Linh Chi cho biết, với giáo viên mầm non, việc quan trọng là giúp đứa trẻ được hạnh phúc hơn, sáng tạo hơn từng ngày. Đó cũng là đóng góp thầm lặng của nhiều nhà giáo nói chung, với giáo viên mầm non nói riêng.
Muốn thế, giáo viên phải làm cho trẻ tập trung cao khi mình dạy trẻ, kể chuyện cho trẻ nghe. Mỗi trẻ có một tính cách, một sở thích khác nhau, mức độ tiếp thu khác nhau…
Nên giáo viên cần sâu sát trẻ mới sớm phát hiện được những sự khác biệt trong mỗi trẻ, từ đó hướng cho trẻ theo đuổi đam mê của mình.
Cô Chi chia sẻ: “Tôi nghĩ nếu để ý, giáo viên rất dễ phát hiện mỗi một trẻ có đam mê khác nhau. Trong lớp, tôi thường phân chia nhiều trò chơi khác nhau để khơi nguồn sáng tạo cho trẻ.
Chẳng hạn, có trẻ thích chơi trò chơi nấu ăn, trẻ thì thích chơi xếp hình, trẻ thì thích vẽ, cũng có trẻ thích thú với những con số, hình học nên cho tham gia trò chơi tại góc Toán học….”.
Kể với PV, cô Chi cho biết, thật sự đến thời điểm này, cô không nhớ hết những giấy khen mà mình được các cấp từ bộ GD&ĐT đến UBND TP.HCM rồi sở GD&ĐT TP.HCM, quận, trường khen thưởng.
Với cô, việc quan trọng nhất là làm sao cho đứa trẻ đến trường được hạnh phúc chứ không phải là thành tích qua giấy tờ.
“Tôi muốn dùng tất cả tâm huyết của mình để chăm trẻ được tốt nhất, đứa trẻ được hạnh phúc nhất. Tôi không ngờ mình may mắn được các cấp khen tặng nhiều giấy khen như vậy.
Với cuộc đời một nhà giáo, được ghi nhận nhiều đóng góp cho ngành tôi rất vui mừng, xúc động, nhất là thông tin được nằm trong TOP 50 nhà giáo tiêu biểu, đạt giải thưởng Võ Trường Toản của ngành giáo dục thành phố”, cô Chi tiết lộ.
Những sáng kiến của cô Chi được công nhận, khen thưởng có thể kể ra như : “Một số biện pháp giúp trẻ tập trung” từ năm học 2013-2014, “Một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn trường mầm non Thành phố”….
Hàng loạt bằng khen như: Bằng khen của Bộ GD&ĐT 2005-2006, Bằng khen Liên đoàn Lao động Thành Phố năm 2017, Bằng khen UBND TP.HCM.
Nhận xét về cô Linh Chi, bà Lại Thị Nguyên Nhung, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Thành phố cho biết: “Hàng chục năm gắn bó với trường, cô Linh Chi đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người tại ngôi trường này.
Bằng chứng là cô đã đạt hàng loạt thành tích, được khen thưởng từ cấp Bộ đến trường. Là giáo viên, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc của một nhà giáo đã khó, cô Chi còn là cán bộ công đoàn tiêu biểu của trường, được Liên đoàn Lao động thành phố khen tặng.
Phải tích cực giao tiếp với phụ huynh
Suốt hàng chục năm gắn bó với nghề, cô Chi cho biết, cũng không ít lần đụng chạm với những phụ huynh khó tính, có con bị “hội chứng con cưng” (thường quậy phá, tự kỷ -PV). Họ nóng nảy, bức xúc vì con họ không được quan tâm đúng mức.
Nhưng theo cô Chi, những tình huống đó, cô giáo cần bình tĩnh, chờ phụ huynh tĩnh tâm lại, giải thích cho phụ huynh nghe, hiểu ra vấn đề, từ đó đưa giải pháp tốt nhất cho đứa trẻ.
Cô Chi tiết lộ: “Có những phụ huynh biết con mình có biểu hiện tự kỷ, cho rằng con mình không được cô giáo quan tâm chu đáo nên mới tự ti, ít tiếp xúc với bạn bè trong lớp… Thậm chí có phụ huynh lớn tiếng với cả cô giáo của trẻ.
Nhưng với kinh nghiệm của một giáo viên mầm non hàng chục năm, cô Chi luôn tìm cách giải quyết tốt nhất cho đứa trẻ, chờ phụ huynh bình tâm lại, sau đó chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ bị “hội chứng con cưng”, rồi yêu cầu gia đình cùng phối hợp cô giáo để chăm sóc trẻ tốt hơn.
Còn cô Hà Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường mầm non quận 11, TP.HCM thì cho rằng, việc trẻ bị "hội chứng con cưng" ngày nay chắc chắn gia đình phải phối hợp với nhà trường, giáo viên thì mới chăm sóc tốt hơn cho trẻ.
Cô Dung chia sẻ rằng, những năm qua, trường luôn tích cực đầu tư cho trẻ các nhóm đồ chơi mang tính sáng tạo khác nhau, nhằm thu hút trẻ tham gia các hoạt động trên nhà trường.
Đồng thời, để có thể chăm sóc một số ít trẻ bị hội chứng con cưng hiệu quả, trường luôn tổ chức các buổi tập huấn thêm về nghiệp vụ cho giáo viên.
“Chính vì việc phát huy tính sáng tạo cho trẻ nói chung thông qua việc nâng cao phương pháp giảng dạy, không ngừng đổi mới sự sáng tạo cho trẻ nên trường liên tục đạt nhiều thành tích của ngành giáo dục trong nhiều năm qua.
Và, mới đây, bản thân tôi đạt giải thưởng Võ Trường Toản, dành cho những nhà giáo tâm huyết, có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục thành phố khiến tôi rất xúc động và vui”, cô Dung chia sẻ.